HÀM DUY TRÌ LÀ GÌ?
Sau một hành trình dài đeo niềng, nhiều người lầm tưởng rằng việc tháo mắc cài là dấu mốc cuối cùng và có thể yên tâm với nụ cười mới. Tuy nhiên, sự thật là sau khi tháo niềng, răng của bạn vẫn chưa hoàn toàn ổn định – lúc này, hàm duy trì chính là “người bảo vệ thầm lặng” giúp giữ vững thành quả mà bạn đã kiên trì theo đuổi suốt nhiều năm.
Hàm duy trì là khí cụ chỉnh nha được thiết kế để giữ cho răng ở đúng vị trí mới sau khi dịch chuyển. Bởi vì sau khi tháo niềng, các dây chằng quanh chân răng vẫn còn “nhớ” vị trí cũ và có xu hướng kéo răng trở lại. Đồng thời, xương hàm và mô nướu cũng cần thêm thời gian để tái cấu trúc phù hợp với sự thay đổi vừa xảy ra.
Nếu bỏ qua giai đoạn đeo hàm duy trì, răng có thể dịch chuyển lại gây xô lệch, chen chúc hoặc thưa làm ảnh hưởng đến khớp cắn và thẩm mỹ khuôn mặt. Thậm chí, có những ca phải niềng lại từ đầu, rất tốn kém thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến tâm lý. Chính vì vậy, đeo hàm đúng cách là điều bắt buộc, giúp bạn giữ được hàm răng đều đẹp, lâu dài và ổn định.
CÁC LOẠI HÀM DUY TRÌ HIỆN NAY
Hiện nay có hai loại hàm duy trì chính: hàm cố định và hàm tháo lắp. Mỗi loại đều có ưu – nhược điểm riêng, và bác sĩ sẽ chỉ định tùy theo tình trạng răng của bạn.
- Hàm cố định
Hàm được gắn chặt vào mặt trong răng, thường từ răng nanh bên này sang răng nanh bên kia. Ưu điểm lớn là người dùng không cần nhớ đeo, nhưng nhược điểm là khó vệ sinh và dễ tích tụ mảng bám nếu không chăm sóc kỹ lưỡng.
- Hàm tháo lắp
Hàm này có thể tháo ra khi ăn uống, vệ sinh, gồm loại nhựa trong suốt (Essix) và loại có khung kim loại (Hawley). Ưu điểm là dễ làm sạch, tính thẩm mỹ cao (đặc biệt với loại trong suốt), nhưng người dùng phải có ý thức đeo đều vì dễ quên hoặc làm mất. Đặc biệt với trẻ em hoặc người lớn bận rộn, việc duy trì thói quen đeo đều có thể là một thách thức.
Tóm lại, dù bạn sử dụng loại hàm duy trì nào, điều quan trọng nhất vẫn là đeo đúng – đủ – đều theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả duy trì sau chỉnh nha.
NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG
- Về thời gian đeo
Thời gian đeo hàm tùy thuộc vào từng người, nhưng thường kéo dài từ 1 đến 2 năm, hoặc lâu hơn với hàm cố định. Giai đoạn đầu, hầu hết bệnh nhân được yêu cầu đeo 20–22 tiếng mỗi ngày để đảm bảo hiệu quả tối đa.
- Vệ sinh hàm duy trì đúng cách
Vệ sinh hàm duy trì cũng rất quan trọng. Với hàm tháo lắp, bạn nên dùng bàn chải mềm và nước lạnh để chải nhẹ nhàng mỗi ngày. Với hàm cố định, cần sử dụng chỉ nha khoa chuyên dụng và đánh răng kỹ để tránh mảng bám và viêm nướu.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn
Ngoài ra, bạn cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra độ ổn định của răng và điều chỉnh hàm nếu cần thiết. Việc bỏ lỡ tái khám có thể dẫn đến những sai lệch không mong muốn trong kết quả chỉnh nha.
Nếu bạn cần tư vấn chi tiết hơn về hàm duy trì, bạn có thể liên hệ với Nha khoa Quốc tế theo những thông tin bên dưới để được hỗ trợ sớm nhất.